anh4

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Dự án “Đẩy mạnh hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân” rất tích cực và quan trọng đối với Việt Nam nói chung, với hệ thống QTDND nói riêng và đặc biệt trong tiến trình định hướng phát triển tài chính toàn diện của quốc gia nói chung và trong đề án tái cơ cấu lại các TCTD của Việt Nam trong đó có việc tái cơ cấu lại hệ thống QTDND hiện nay. 

Ngày 12/12/2022, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX) đã tổ chức họp Sơ kết 05 năm Dự án “Đẩy mạnh hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân” (STEP), do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ, Tổ chức Développement International Desjardins (DID) – Canada cùng NHHTX phối hợp thực hiện và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan chủ quản để đảm bảo các kết quả đầu ra được nhân rộng, góp phần nâng cao tính bền vững của Dự án

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại buổi họp

75% kế hoạch dự án đã hoàn thành

Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Dự án STEP Claude Lafond cho biết, dự án STEP chính thức hoạt động vào tháng 11/2017. Mục tiêu dài hạn của Dự án là góp phần giảm nghèo tại khu vực nông thôn Việt Nam bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cũng như nâng cao tình hình an ninh tài chính của khách hàng nam và nữ tại các vùng nói trên thông qua 2 mục tiêu chính là tăng cường khả năng hỗ trợ giám sát của hệ thống NHHTX đối với hệ thống QTDND thành viên; Tăng cường khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính bền vững của QTDND để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khu vực nông thôn, đặc biệt là phụ nữ nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận và các tiêu chuẩn an toàn.

Đến nay 4 cấu phần chính của dự án đã được triển khai với nhiều kết quả ấn tượng. Ở cấu phần quản trị rủi ro, Dự án đã hoàn thành Bộ công cụ Kiểm toán nội bộ phần 2 gồm các thủ tục kiểm tra nghiệp vụ kế toán, CNTT và bình đẳng giới, và tập huấn cho NHHTX và các QTDND tham gia Dự án.

Hệ thống quản lý thông tin báo cáo QTDND (PRMS) cũng đã xây dựng hoàn thành và chính thức được đưa vào vận hành tại NHHTX thay thế hệ thống CF-eMIS cũ từ ngày 01/10/2020. Với 22 báo cáo đầu ra, hệ thống PRMS là một công cụ hiệu quả giúp nâng cao năng lực giám sát của NHHTX đối với mạng lưới QTDND, đặc biệt là các quy trình và công cụ giám sát rủi ro. Hiện Dự án đang trong quá trình xây dựng Khung quản trị rủi ro QTDND nhằm hỗ trợ việc quản lý, giám sát hoạt động QTDND và là cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến QTDND.

Cấu phần sản phẩm, dịch vụ ghi nhận việc thiết kế thành công 2 sản phẩm tín dụng mới là: Sản phẩm cho vay nông nghiệp và cho vay sản xuất kinh doanh.

Sản phẩm cho vay dựa trên dòng tiền giúp các QTDND tiếp cận được nhiều đối tượng thành viên/ khách hàng, đặc biệt là phụ nữ, khuyến khích QTDND cho vay tín chấp đối với khách hàng Cấu phần phát triển dịch vụ kinh doanh (BDS) nổi bật với thành quả cho ra đời Bộ công cụ chăm sóc khách hàng hỗ trợ cán bộ tín dụng của NHHTX và QTDND giao tiếp và tương tác trong quá trình tiếp xúc và thẩm định khách hàng nhằm khuyến khích xây dựng những thói quen tài chính tốt, từ đó tăng sự tin tưởng và hài lòng của khách hàng và thành viên.

Hiện Dự án đang phát triển một ứng dụng di động (Co-opSmart) để cung cấp kiến thức tài chính và hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ là khách hàng và thành viên của NHHTX và QTDND. Dự kiến vào đầu năm 2023 sẽ chuyển giao cho NHHTX và các QTDND sử dụng và ra mắt thị trường.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Quốc Cường chia sẻ về những kết quả của Dự án STEP

E-Banking được xem là một cấu phần thành công nổi bật với việc, Dự án phối hợp với NHHTX hoàn thành dự án ngân hàng số E-Banking đảm bảo đầy đủ chức năng của một hệ thống thanh toán hiện đại, nâng cao khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, an toàn, tiện lợi với chi phí hợp lý, cải thiện khả năng cạnh tranh của NHHTX và hệ thống QTDND; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu tăng cường tài chính toàn diện ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tính đến ngày 30/11/2022, toàn hệ thống đã có 603 QTDND sử dụng dịch vụ E-banking. Tổng số lượng giao dịch kể từ khi bắt đầu triển khai giai đoạn 1 vào tháng 1/2022 là gần 423 nghìn món, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 192 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ NHHTX xác định rõ tầm nhìn và định hướng về vai trò đầu mối của hệ thống QTDND, Dự án đã phối hợp với NHHTX xây dựng Kế hoạch phát triển thể chế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đóng góp ý kiến cho các văn bản dự thảo thông tư, đề án có liên quan tới hoạt động của QTDND do NHNN xây dựng; Hỗ trợ NHHTX xây dựng Chiến lược CNTT, chuyển đổi số cho NHHTX và hệ thống QTDND giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đã bàn giao cho NHHTX trong tháng 1/2022;

Các yếu tố bình đẳng giới và bảo vệ môi trường cũng đã được lồng ghép xuyên suốt trong các hoạt động của Dự án như: Hoàn thành bảng báo cáo số liệu giới của các QTDND trên hệ thống PRMS cho phép các QTDND theo dõi, xây dựng chính sách, đưa ra quyết định có tính đến đặc điểm và nhu cầu theo từng giới tính của thành viên và khách hàng; Tuyên truyền, tăng cường nhận thức thông qua các buổi hội thảo, tập huấn về nội dung Bình đẳng giới cho cán bộ NHHTX và các QTDND tham gia Dự án.

Tăng cường hơn nữa hiệu quả dự án

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho biết, Dự án STEP của Chính phủ Canada đến với NHHTX và hệ thống QTDND vô cùng kịp thời, đúng thời điểm. Các hoạt động của dự án đều hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh cho các QTDND giúp NHHTX cải thiện được vai trò hỗ trợ, giám sát, định hướng, quản lý chiến lược cho hoạt động của QTDND.

Đồng thời tăng cường thêm khả năng cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính bền vững cho hệ thống QTDND, cho các thành viên QTDND… tại vùng sâu vùng xa, mang lại cơ hội tiếp cận tài chính toàn diện cũng như mang lại thêm nhiều cơ hội việc làm cho các thành viên.

“Có thể nói dự án STEP là một đòn bẩy giúp cho NHHTX thực hiện tốt hơn nhiệm vụ vai trò ngân hàng đầu mối của hệ thống QTDND. Và trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra một cách mạnh mẽ trong ngành tài chính – ngân hàng, việc triển khai các cấu phần của Dự án STEP là một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số, duy trì tính bền vững và khả năng phát triển của hệ thống QTDND cùng NHHTX”, ông Cường cho biết.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam, ông Shawn Steil phát biểu tại buổi họp

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam, ông Shawn Steil bày tỏ sự tự hào về phần tài trợ liên quan đến Dự án cũng như các dự án trước đây của Chính phủ Canada góp phần xây dựng tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Đánh giá cao tầm nhìn của NHNN trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống QTDND và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam đến năm 2030 ông Shawn Steil cũng cảm kích việc Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã chỉ đạo NHHTX thực hiện sơ kết 5 năm triển khai dự án.

Ông Shawn Steil cho rằng, đây là thời điểm quan trọng với toàn cầu và Việt Nam sau khi bước qua đại dịch. Với Việt Nam ngoại trừ hồi phục phát triển kinh tế, việc phát triển tài chính toàn diện là cần thiết để hỗ trợ cho người yếu thế như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. “Qua thực tế khảo sát người dân Việt Nam có nhiều điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. Vì vậy tôi rất trân trọng nỗ lực của dự án, NHNN và sự nỗ lực gấp đôi của NHHTX trong việc thực hiện dự án,” ông Shawn Steil phát biểu.

Chủ trì và chỉ đạo tại buổi họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Đây là một dự án rất tích cực, rất quan trọng đối với Việt Nam nói chung, với hệ thống QTDND nói riêng và đặc biệt trong tiến trình định hướng phát triển tài chính toàn diện của quốc gia nói chung và trong đề án tái cơ cấu lại các TCTD của Việt Nam trong đó có việc tái cơ cấu lại hệ thống QTDND hiện nay.

“Chúng tôi đánh giá dự án STEP đã đạt được những kết quả rất quan trọng, đã cung ứng những sản phẩm rất thiết thực cho việc nâng cao vai trò đầu mối, vai trò hỗ trợ của NHHTX với các QTDND mà trước hết là 75 QTDND đang thực hiện thí điểm. Đồng thời, tăng cường hệ thống thông tin báo cáo giúp cho các QTDND chấp hành chế độ báo cáo. Đây cũng là nguồn thông tin quan trọng giúp tăng cường năng lực quản lý giám sát của NHNN đối với hệ thống QTDND, đặc biệt trong điều kiện NHNN đang gia tăng việc củng cố cũng như tái cơ cấu hệ thống QTDND giai đoạn vừa qua và 5 năm tới”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi họp

Đồng tình với chương trình và hành động sắp tới của Dự án, Phó Thống đốc cho biết, nếu hết thời gian gia hạn dự án (đến 31/3/2024) không hoàn thiện đựơc các công việc còn lại và trong bối cảnh chúng ta mong muốn triển khai các thành tựu dự án không chỉ cho 75 QTDND mà toàn bộ hệ thống để các thành viên QTDND được thụ hưởng, NHNN sẽ xem xét việc gia hạn thêm thời gian để triển khai dự án thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hệ thống.

Tại buổi họp, đại diện Ban quản lý dự án STEP đưa ra 2 đề xuất: (i) Thử nghiệm và ứng dụng các thông tin báo cáo từ hệ thống PRMS trong việc giám sát từ xa QTDND; cân nhắc sửa đổi các hướng dẫn về thông tin trong một số báo cáo QTDND định kỳ gửi NHNN để đảm bảo đầy đủ thông tin đầu vào, tăng tính chính xác, độ tin cậy và phát huy hiệu quả của hệ thống PRMS trong phục vụ việc quản lý, giám sát các QTDND; (ii) NHNN khuyến khích các QTDND áp dụng Bộ công cụ Kiểm toán nội bộ, Mẫu báo cáo kiểm toán nội bộ và Mẫu thẩm định các khoản vay nông nghiệp cho sản phẩm tín dụng cho vay dựa trên dòng tiền do Dự án xây dựng.

“Hai kiến nghị này chúng tôi hoàn toàn nhất trí và sẽ giao cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là cơ quan đầu mối sẽ có những hỗ trợ thêm về chỉ đaọ điều hành, và nếu cần thiết yêu cầu với tư cách là cơ quan quản lý chỉ đaọ các QTDND phải chấp hành”, Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc cũng đồng tình với ý kiến cấp phép thêm cho các QTDND thực hiện E-Banking để các QTDND có thêm sản phẩm phục vụ nhân dân. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cùng Dự án và NHHTX đề xuất và nếu thấy hoàn toàn tích cực thì chúng ta đẩy mạnh và có văn bản chỉ đạo các quỹ tham gia.

Phó Thống đốc giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đặc biệt là Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Cục Công nghệ Thông tin xem xét nghiên cứu Đề án tin học mà NHNN đang xây dựng để làm tốt hơn công tác giám sát từ xa các QTDND với các nội dung, sản phẩm đã có của Dự án để tạo sự thống nhất, không đặt ra quá nhiều báo cáo cho QTDND.

Đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ Canada, Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) cùng các bộ và cơ quan Chính phủ Canada đã có nhiều hỗ trợ ngành ngân hàng và hệ thống QTDND trong nhiều năm qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt chiến lược phát triển tài chính toàn diện của Việt Nam, hệ thống QTDND được xem là một kênh huy động, cung ứng vốn, dịch vụ tài chính ngân hàng rất tích cực phù hợp mô hình đặc thù Việt Nam nhất là những tỉnh vùng sâu vùng xa.

Và để tái cơ cấu lại hệ thống QTDND nâng cao chất hoạt động tích cực đem lại các lợi ích cho người dân khu vực này rất cần sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Canada, các bộ, cơ quan và Đại sứ quán Canada.

“Cũng như quan điểm mà Đại sứ Canada Shawn Steil chia sẻ, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp nối dự án này bằng dự án hoặc bằng sự hỗ trợ kỹ thuật những nội dung có thể nâng thêm một bước nữa trong lộ trình của NHNN thực hiện tái cơ cấu lại hệ thống QTDND trong thời gian tới, cơ cấu lại việc tổ chức vận hành cũng như mô hình QTDND một cách phù hợp với thực trạng, điều kiện kinh tế và sự phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam. Hiện Tổ chức Développement International Desjardins đã chuyển đổi mô hình ít nhất 2-3 lần, song ở Việt Nam chúng ta mô hình cũng chưa có sự cải tiến, cải tổ với một mô hình mới mang tính căn cơ, phù hợp với thực tiễn Việt Nam” Phó Thống đốc chia sẻ.

Trích nguồn Co-opBank: https://bom.so/k671yR